Mới phát hành

Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Điểm bán   |   Thành viên   |   Site map

Phương Nam Phim phát hành 10 truyện Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4) và các ngày lễ lớn trong năm 2012, cuối tháng 4 này Phương Nam Phim phối hợp cùng Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim truyện I sẽ giới thiệu đến người yêu phim Việt Nam chùm phim đặc sắc đã làm nên những dấu ấn nổi bật của điện ảnh Việt trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Cùng với các phim truyện Việt Nam khác đã được Phương Nam Phim phát hành, hy vọng đợt phát hành mới này sẽ giúp khán giả bổ sung thêm bộ sưu tập của mình những tác phẩm có giá trị khắc họa sự đấu tranh của quân và dân ta trong cũng như sau chiến tranh, những người đồng bào chân chất, những nhà kinh tế thời nay…. Đặc biệt, đợt này có 5 phim nhựa của Hãng phim truyện I và 5 phim của Hãng phim truyện Việt Nam được phát hành dưới dạng DVD dựa trên những yêu cầu của đông đảo công chúng.

Nhiều phim của Hãng phim truyện 1 phải kể đến như: Chơi vơi (Giải thưởng của Hội phê bình Điện ảnh Thế giới tại LHP Venice, 3 đề cử giải thưởng phim Châu Á 2010 giải đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 2009) – một chủ đề không dễ dàng tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh hiện đại.

Bìa Chơi Vơi       Phim là câu chuyện về những ẩn ức tình dục, được đặc trong không gian chật hẹp của những khu phố cổ Hà Nội càng làm dấy thêm sự bức bối và cảm giác dồn nén đến mức “chơi vơi” từ các nhân vật trong phim. Người xem sẽ phải tự nhìn lại cuộc sống tưởng như giản đơn quanh mình để nhận diện chuyện phức tạp từ những cô dâu không được hưởng niềm vui tân hôn như Duyên (Hải Yến), những người phụ nữ có đời sống nội tâm như Cẩm (Linh Đan), hay những chú rễ trẻ con như Hải (Duy Khoa).

Chuyện của Pao (Giải Cánh Diều vàng của Hội ĐAVN 2006, Giải đặc biệt tại LHP Châu Á- TBD 2006, Giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 15) một bộ phim có những cảnh quay đẹp và buồn nhẹ nhàng với những uẩn khúc mà mỗi nhân vật đều có một bí mật riêng mình. Pao – cô gái miền núi hồn nhiên luôn thắc mắc về những gì xãy ra trong gia đình mình: sao “mẹ già” bổng mất tích bên dòng suối, sao mẹ đẻ lại không ở cùng hai chị em Pao?
 
         Đi tìm nguồn cơn câu chuyện cũng là hành trình mà Pao lần giở được những bí mật mà các bà mẹ của cô cũng như chính cô luôn chôn giấu…

Lưới trời (Cánh Diều Bạc của Hội ĐAVN 2004, Giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 13) - một bộ phim tâm lý – hình sự đụng đến nhiều chủ đề gai góc của cuộc sống cùng cách thể hiện rất táo bạo. Bi kịch tình yêu xen kẽ những kịch tính của một vụ án kinh tế, những mánh khóe kinh doanh, những kẻ tội phạm có quyền lực liệu có thoát được lưới pháp luật…

       Sống trong sợ hãi (Giải Đạo diễn xuất sắc của HĐAVN 2006, Giải lớn tại LHP Châu Á-TBD 2006, Giải Tài năng trẻ tại LHP Thượng Hải 2006), một tác phẩm điện ảnh xuất sắc của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với cách thể hiện độc đáo về con người đối diện với sự sợ hãi, với hiểm nguy khi cái chết luôn rình rập bên mình từng ngày – rà phá bom mìn.

     Trăng trên đất khách (Giải của BGK tại LHP VN lần thứ 12) là bộ phim khắc họa sâu sắc thân phận của những người Việt Nam học tập và lao động ở nước ngoài. Với nhiều người Việt Nam, “đi nước ngoài” được coi như một điều kỳ diệu, một phép màu trong cuộc sống. Nhưng trong bộ phim này, ở “nước ngoài” – nơi đất khách – cuộc sống không phải là thiên đường. Trăng trên đất khách đem lại cho người xem một trải nghiệm mới mẻ khi bối cảnh chính của phim là nước Nga. Những bi kịch cuộc sống xảy ra nơi đất khách càng trở nên khắc nghiệt hơn nhiều. Nhưng ở nơi tuyết lạnh ấy vẫn không thiếu tình người.

Các phim của Hãng phim truyện Việt Nam như:
 
              Đường về quê mẹ (Giải nhất tại LHP quốc tế Tiệp Khắc 1972, Giải nhất tại LHP quốc tế Ấn Độ 1973, Giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II) Trong phim là một câu chuyện giản dị và cảm động về những chiến sĩ công binh Núi, Dư và Ly trong sứ mệnh làm trận địa giả mục đích thu hút máy bay địch để đồng đội bí mật mở đường phục vụ chiến dịch giải phóng Làng Vân. Khánh sẽ gặp lại Lâm Tới, Thế Anh…những diễn viên điển trai nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

         Ở phim Cây bạch đàn vô danh (Giải Bông Sen Bạc LHPVN lần thứ 11) thì lại nói về những mất mát và nổi cô đơn trong chiến tranh, sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh không chỉ ở tiền tuyến mà cả ở hậu phương trong sự chờ đợi, cô đơn, khát khao, giằng xé của những người vợ, người cha có người thân nơi chiến trường.

Và những bộ phim hay về đề tài chiến tranh như: Hà Nội 12 ngày đêm (Kịch bản phim truyện xuất sắc nhất Hội ĐAVN 2002) với nội dung kể lại cuộc chiến tranh cam go, anh dũng của quân – dân Hà Nội trong chiến dịch Linebacker II từ 18-30/12/1972 hay còn gọi là trận “Điện Biên Phủ trên không” khi B-52 liên tục nhã bom và tập kích đánh phá thủ đô và các tỉnh lân cận.

Còn với Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh thì vẫn là đề tài chiến tranh nhưng mang nhiều yếu tố tâm lý. Một cuộc chiến đằng sau những tiếng bom đạn, cuộc chiến khốc liệt không phải chống ngoại xâm, mà là giữa những người lính công hòa miền nam và bộ đội miền Bắc. Như nhà quay phim Trần Trung Nhàn nhận định “… những suy nghĩ của hai phía khác nhau nên hai nhân vật chính của hai phía đối chọi nhau”

Với Cây xương rồng trên cát thì như sức sống của cây xương rồng trên cát, người phụ nữ nhẫn nhịn vươn lên giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã, không chỉ thế cả vợ chồng chị bằng tình yêu, lòng vị tha- họ đã vượt qua những khó khăn, mất mát của bi kịch cá nhân trong chiến tranh để có được hạnh phúc gia đình đích thực. Còn kẻ trực tiếp gây ra tội ác cho họ mặc dù có được sự khoan hồng vẫn phải trả giá cho tội ác đã gây ra bằng chính sự trốn chạy, sự cô đơn và dằn vặt lương tâm…

Kể từ năm 2005 khi phát hành bộ phim truyện đầu tiên và cùng với 10 phim truyện được ra mắt trong đợt này, đã nâng tổng số phim truyện Việt Nam được Phương Nam Phim phát hành lên con số 90 phim.

PNF
« Quay lại trang trước Số lần xem: 4713
Bản in   Gửi bạn bè
Phim truyện Việt Nam
  • Phương Nam Corporation
  • Phuong Nam Book
  • Nhà sách Phương Nam Online
  • Megastar Cineplex
  • E Book